Ngữ Văn Lớp 6

Mục tiêu

Theo CTGDPT môn Ngữ văn 2018, ở các khối lớp THCS nói chung, lớp 6 nói riêng, “hoạt động dạy học ĐHVB nhằm mục tiêu giúp HS tiếp tục phát triển những phẩm chất tốt đẹp đã được hình thành ở tiểu học; nâng cao và mở rộng yêu cầu phát triển về phẩm chất”, “tiếp tục phát triển các năng lực chung, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học đã hình thành ở cấp tiểu học với các yêu cầu cần đạt cao hơn” (Bộ GD-ĐT, 2018).

Yêu cầu cần đạt

CTGDPT môn Ngữ văn 2018 xác định những yêu cầu cần đạt của hoạt động ĐHVB ở HS lớp 6 đối với các loại văn bản (VB): VB văn học, VB nghị luận và VB thông tin. Với mỗi loại VB, Chương trình nêu ra 4 nhóm yêu cầu: đọc hiểu nội dung; đọc hiểu hình thức; liên hệ, so sánh, kết nối và đọc mở rộng.

Chẳng hạn, với ĐHVB văn học, Chương trình xác định: Đọc hiểu nội dung: – Nêu được ấn tượng chung về VB; nhận biết được các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, nhân vật trong tính chỉnh thể tác phẩm; – Nhận biết được chủ đề của VB; – Nhận biết được tình cảm, cảm xúc của người viết thể hiện qua ngôn ngữ VB; – Tóm tắt được VB một cách ngắn gọn; Đọc hiểu hình thức: – Nhận biết được một số yếu tố của truyện truyền thuyết, cổ tích, đồng thoại như: qua hình dáng, cử chỉ, hành động, ngôn ngữ, ý nghĩ của nhân vật; – Nhận biết được người kể chuyện ngôi thứ nhất và người kể chuyện ngôi thứ ba; – Nhận biết được số tiếng, số dòng, vần, nhịp của thơ lục bát; – Nhận biết và bước đầu nhận xét được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ; – Nhận biết và nêu được tác dụng của các yếu tố tự sự và miêu tả trong thơ; – Nhận biết được hình thức ghi chép, cách kể sự việc, người kể chuyện ngôi thứ nhất của hồi kí hoặc du kí; Liên hệ, so sánh, kết nối: – Nhận biết được những điểm giống nhau và khác nhau giữa hai nhân vật trong hai VB; – Nêu được bài học về cách nghĩ và cách ứng xử của cá nhân do VB đã đọc gợi ra; Đọc mở rộng: – Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 35 VB văn học (bao gồm cả VB được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có thể loại và độ dài tương đương với các VB đã học; – Học thuộc lòng một số đoạn thơ, bài thơ yêu thích trong chương trình (Bộ GD-ĐT, 2018).

Nội dung dạy học

Nội dung dạy học Ngữ văn ở lớp 6 bao gồm Kiến thức tiếng Việt và Kiến thức văn học. Những kiến thức tiếng Việt được dạy tích hợp với ĐHVB bao gồm: – Từ đơn và từ phức, từ ghép và từ láy; từ đa nghĩa và từ đồng âm; nghĩa của một số thành ngữ thông dụng; nghĩa của một số yếu tố Hán Việt thông dụng và nghĩa của những từ có yếu tố Hán Việt đó; – Các thành phần chính của câu: mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm từ; trạng ngữ; công dụng của dấu chấm phẩy, dấu ngoặc kép; biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ: đặc điểm và tác dụng. Kiến thức văn học bao gồm: -Tính biểu cảm của VB văn học; chi tiết và mối liên hệ giữa các chi tiết trong VB văn học; đề tài, chủ đề của VB; tình cảm, cảm xúc của người viết; – Các yếu tố: cốt truyện, nhân vật, lời người kể chuyện và lời nhân vật trong truyền thuyết, cổ tích, đồng thoại; Người kể chuyện ngôi thứ nhất và người kể chuyện ngôi thứ ba; Các yếu tố hình thức của thơ lục bát: số tiếng, số dòng, vần, nhịp; Nhan đề, dòng thơ, khổ thơ, vần, nhịp, ngôn từ và tác dụng của các yếu tố đó trong bài thơ; Yếu tố tự sự, miêu tả trong thơ; Hình thức ghi chép, cách kể sự việc, người kể chuyện ngôi thứ nhất trong hồi kí hoặc du kí. Ngữ liệu: VB văn học (truyền thuyết, cổ tích, đồng thoại, truyện ngắn; thơ, thơ lục bát; hồi kí hoặc du kí); VB nghị luận (nghị luận xã hội, nghị luận văn học); VB thông tin (VB thuật lại một sự kiện, biên bản ghi chép, sơ đồ tóm tắt nội dung). Gợi ý chọn VB: xem danh mục gợi ý của Chương trình (Bộ GD-ĐT, 2018).

Phương pháp dạy học

Ở trường phổ thông nói chung, lớp 6 nói riêng, HS đọc VB văn học, VB nghị luận và VB thông tin. Mỗi kiểu VB có những đặc điểm riêng, vì thế cũng cần có cách dạy ĐHVB cho phù hợp.

CTGDPT môn Ngữ văn 2018 đưa ra những định hướng về phương pháp dạy học ĐHVB nói chung như sau: Yêu cầu HS đọc trực tiếp toàn bộ VB, chú ý quan sát các yếu tố hình thức của VB, từ đó có ấn tượng chung và tóm tắt được nội dung chính của VB; tổ chức cho HS tìm kiếm, phát hiện, phân tích, suy luận ý nghĩa các thông tin, thông điệp, quan điểm, thái độ, tư tưởng, tình cảm, cảm xúc,… được gửi gắm trong VB; hướng dẫn HS liên hệ, so sánh giữa các VB, kết nối VB với bối cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội, kết nối VB với trải nghiệm cá nhân HS,… để hiểu sâu hơn giá trị của VB, biết vận dụng, chuyển hoá những giá trị ấy thành niềm tin và hành vi ứng xử của cá nhân trong cuộc sống hằng ngày.

Trong số các kiểu VB được dạy học, VB thông tin là một loại VB mới được đưa vào chương trình. Theo tác giả Lã Phương Thúy và cộng sự (2021), “đây là điểm mới nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức đối với GV và HS, đặc biệt là HS lớp 6”. GV cần tuân thủ chặt chẽ yêu cầu dạy đọc hiểu loại VB này theo đặc trưng thể loại để phát huy được tác dụng của việc ĐHVB thông tin và ứng dụng kết quả đọc vào thực tiễn của HS.

Không kết quả

Có vẻ như chúng tôi không tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm. Có lẽ việc tìm kiếm có thể giúp ích.